Thợ đá

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.”
(Đập Đá Côn Lôn - Phan Chu Trinh)

--------------------

Đoạn thơ của chí sĩ ái quốc Phan Chu Trinh mô tả hình ảnh bi tráng nhưng vẫn đầy lạc quan và quyết tâm của những người trai trẻ yêu nước. Đọc thấy thật cảm phục và nhớ lại những người chẻ đá xứ mình. Mặc dù cái sự đập đá ở Long Khánh không đến độ hiên ngang như trong thơ của cụ Phan nhưng cũng có nhiều điều đáng nói.

Ở Long Khánh ngày trước nói tới đá là phải nói tới những người chẻ đá. Đá tổ ong ở nơi đây không dễ tạc như đá Non Nước để làm tượng, đẽo cối xay cối giã. Nhưng đá tổ ong làm móng nhà rất tốt bởi độ bám xi măng khá cao. Một tảng đá to nằm trùi trũi đen thui hoặc nâu vì lớp ngoài bị ô xy hóa chứa bên trong là những khối đá lõi. Thế nhưng muốn có được những viên đá tổ ong vuông vức và chắc chắn để làm móng nhà phải cần tới bàn tay người thợ chẻ đá để “trị” những tảng đá kia.

Theo sử ghi năm Kỷ Mùi (1679) dưới đời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, tướng Trần Thượng Xuyên bên Trung Quốc dẫn ba ngàn quân tướng nhà Minh chạy về phương Nam lánh nhà Thanh, được chúa Nguyễn cho phép khai phá phương Nam, đến vùng Cù lao Phố Biên Hòa khai dân lập ấp.

Trong đoàn người theo Trần Thượng Xuyên ngày ấy, có một số người nước Sùng, một nước chư hầu thời cổ đại ở phía bắc Trung Quốc bị đày xuống Quảng Đông. Khi nhà Thanh cai trị, họ chạy theo Trần Thượng Xuyên vào Đồng Nai. Người Việt gọi họ là người Hẹ. Những cư dân này có nghề làm đá, họ là những người đục đá lát đường cho Cù Lao Phố. Nghề đá truyền dần cho người Việt.

Có lẽ nghề đục đá ở Long Khánh bắt nguồn từ đây. Và người ta hay gọi những người chọn công việc nặng nề này là thợ chẻ đá.

Gọi là thợ chứ họ cũng vì miếng cơm manh áo mà vào nghề. Rồi ngày qua ngày kinh nghiệm tích lũy thành những người chẻ đá chuyên nghiệp. Họ ở miền Trung nắng gió vào đây sinh sống. Do vào sau lại không có nhiều của cải nên họ khó mà mua đất để canh tác. Ban đầu họ ở nhờ trong những căn chòi canh rẫy vì người dân ở đây sẵn lòng đùm bọc đồng bào mình. Và đất Long Khánh cũng không bạc đãi họ, miễn là phải siêng năng, chịu cực khổ. Làm gì đây khi không có đất đai? Thì đá đó! Đá Long Khánh nhiều vô kể, ai cũng sẵn sàng cho không, nhiều khi còn cầu cho có người lấy đá để thêm đất trồng trọt, đỡ bớt chướng ngại. Họ sắm cái búa tạ loại 10 - 20 kí, búa đục nặng gấp 5 lần búa đóng đinh, cây xáo (mũi đục đá dài), vài cái nêm (mũi đục đá nhỏ ngắn), xà beng (đòn xeo). Ban đầu là dùng búa đục và cây xáo mồi một lỗ nhỏ vừa cái nêm trên lưng tảng đá to. Đặt nêm vào sau khi chêm cho nêm bằng vải rách để nêm đừng rơi ra. Dùng búa tạ nện vào nêm vài cái. Tảng đá nứt ra làm hai, hiện ra bên trong là những thớ đá tổ ong màu lam. Cứ thế từ tảng đá to họ chẻ thành từng viên đá xây móng vuông vức, đều nhau.

Khéo léo mồi lỗ cho nêm


Quai búa cho "lở núi non"

Thành quả của mồ hôi người cần lao

Nghề chẻ đá cũng cực khổ, dang nắng dầm mưa, lại tốn hao sức lực, nên chỉ dành cho đàn ông. Thợ đá hay ví nghề mình là một trong những nghề nặng nhọc nhất, thuộc loại “nhất phá sơn lâm – nhì đâm hà bá”. Nhưng thành quả lao động của họ luôn xứng đáng với sức lực bỏ ra. Không mất vốn mà mỗi ngày họ bán vài chục viên đá đủ tiền nuôi vợ nuôi con. Là một nghề sử dụng cơ bắp nên người chẻ đá ai cũng cuồn cuộn vai, ngực, bắp tay. Chiếc lưng dài đầy cơ luôn phơi trần ra trong nắng đôi khi làm cho những cô, những chị đi rẫy ngang qua cũng phải liếc nhìn trầm trồ.

Ngày trước người dân ở đây hay nói đùa là bao giờ đá tổ ong lên giá chắc chắn dân
Long Khánh sẽ giàu nhất nước. Lúc nhỏ mình cũng suy nghĩ như vậy. Nhưng sau này thấy những hậu quả môi trường nặng nề của những vùng khai thác đá ở những nơi khác mình thấy không nên. Có lẽ con đường đá cảnh mà mình đang theo đuổi là một hướng đi mới để khai thác tiềm năng sẵn có ở đây.

Xưa có câu “Đất không phụ người” để khuyến khích việc gắn bó với đất đai đồng ruộng. Nay mới nói chuyện người thợ chẻ đá đã thấy Đá cũng không bao giờ phụ người.


Hồ Đại Tướng ở Long Khánh xây toàn bằng đá chẻ


Author

Written by Admin

Aliquam molestie ligula vitae nunc lobortis dictum varius tellus porttitor. Suspendisse vehicula diam a ligula malesuada a pellentesque turpis facilisis. Vestibulum a urna elit. Nulla bibendum dolor suscipit tortor euismod eu laoreet odio facilisis.

7 nhận xét:

  1. Anh ơi, khai thác đá nhiều thì hết đá sao hả anh?

    Trả lờiXóa
  2. Bởi vậy nên Đá mới theo con đường đá cảnh.

    Trả lờiXóa
  3. Nhưng em thấy đá công nghiệp để xây dựng vẫn có mà.

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều nơi có đá lắm Tử à!

    Trả lờiXóa
  5. Em thấy làng Đường Lâm ngoài Bắc nổi tiếng về làng đá ong. Chắc chắn là những thợ xẻ đá họ đã làm ra những viên đá ong vuông vức.

    Trả lờiXóa
  6. Có lẽ đá làng Đường Lâm xẻ bằng cưa. Còn đá anh nói chẻ ra bằng nêm. Phải kiếm xớ đá giống mình chặt nước đá

    Trả lờiXóa