Giới thiệu

Phía Tây thị xã Long Khánh có một ngọn núi lửa đã tắt cả triệu năm nay gọi là núi Đỏ. Núi Đỏ vì đất trên núi màu đỏ, mấy chục năm trước trống trải chưa ai canh tác nên nhìn lên thấy ngọn núi đỏ gạch, màu đỏ của đất cháy, đá cháy hòa cùng màu đỏ hung của bạt ngàn cỏ đuôi chồn tự do tự tại mọc trên đó không biết tự bao giờ.
Núi Đỏ không còn đỏ nữa do cây trồng đã ngút ngàn

Núi Đỏ không cao lắm, cũng không cheo leo hiểm trở nên leo chừng hơi mỏi chân là đến đỉnh. Trên đỉnh có thể nhìn bao quát xung quanh các xã Bàu Sen, Xuân Quế, Xuân Tân và phường Phú Bình. Nhìn thấy cả đến trung tâm Long Khánh. Là ngọn núi đất bình thường nhưng xung quanh núi Đỏ là một vùng đất trù phú với đá tổ ong. Gần như toàn bộ phường Phú Bình nằm trong vùng đá này. Nếu lấy núi Đỏ làm tâm thì xung quanh trải dài xuống hàng trăm ngàn bậc do tự nhiên hình thành cũng có và do người dân xếp đá để làm rẫy cũng có.
Quả thật nơi đây vô số đá. Đá nằm tràn lan trên mặt đất như từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay. Đá bàng nằm thành một lớp dưới đất vài mét tưởng chừng như không thể xuyên qua. Đá được xếp thành bờ bao đánh dấu khuôn viên vườn, nương rẫy. Đá xếp thành từng ụ cho có chỗ canh tác, nhưng những ụ đá này cũng không vô dụng. Chúng là nơi người ta cho những cây bầu, bí đao, bí đỏ leo lên thay giàn. Bởi vậy trái bí trái bầu ở đây không suôn thẳng như những nơi khác mà méo mó, thậm chí là vuông, góc tam giác tùy vào hình dáng của viên đá hoặc kẽ đá mà trái nằm phía trên. Đá dùng để xây móng, nện dưới nền nhà trước khi trám xi măng lên trên. Có người còn dùng đá xây cả một căn nhà thay gạch. Chắc hẳn ở trong căn nhà đó rất mát mẻ. Ở Phú Bình có Công viên Hòa Bình, ngày xưa gọi là Khu giải trí K4. Trong khu giải trí này người ta dùng đá chẻ xây cổng, cầu và đặc biệt là những cái hồ nuôi cá, hồ bơi, hồ tạo cảnh quan. Những cái hồ to lớn mỗi cái ước bằng một nửa sân Hoa Lư dưới Sài Gòn, được xây bằng đá tổ ong núi Đỏ.
Lúc núi lửa phun trào những tảng nham thạch bung ra xung quanh hàng mấy chục cây số. Khi nguội đi và qua quá trình phong hóa theo tháng năm hình thành những tảng đá, những viên đá muôn hình muôn vẻ. Có viên trông như người thiếu phụ trùm khăn, có viên mang hình đầu ngọn sóng, lại có viên ngoằn ngoèo tượng nên hình Tề Thiên say rượu trộm đào. Nhiều nơi đá nguội đông lại thành một phiến phẳng như mặt bàn. Đá như núi non thu nhỏ mỗi ngày ngắm lại thấm thêm nhiều ý nghĩa.
Chất đá cũng đa dạng, đa số là dạng đá tổ ong lổ lớn. Đá tổ ong lổ nhỏ ít hơn và có hình dáng đẹp hơn. Ngoài ra còn có loại đá xanh nặng gấp đôi đá tổ ong với những hình dáng hang hốc, có những vết đôi khi làm sững sờ người ta như vết chân người, vết đầu xương thú. Hiếm nhất là đá cháy chỉ có trên đỉnh núi, gần miệng núi ngày xưa. Đá cháy chỉ nặng hơn cục than nhưng có hình dáng khá uốn éo thú vị.
Người ta nói rằng những người săn đá thường coi hành trình của mình là "cuộc tìm kiếm nhân duyên". Bởi khi được đem về, tuổi của viên đá có khi đã hàng triệu năm, lại qua sự bào mòn của nước, nắng gió mới có hình dáng như khi được tìm thấy. "Duyên" là yếu tố đầu tiên để viên đá lộ ra với người, vào lúc nó xinh đẹp nhất. Chúng tôi có tâm đi tìm kiếm những viên đá đẹp trong vùng rốn đá của Long Khánh để thưởng ngoạn và giờ đây qua trang web này chúng tôi muốn sẻ chia cảm xúc và đam mê cháy bỏng của mình với những người cùng sở thích và xem đó cũng là một nhân duyên.

Trân trọng kính chào!

 LH: 0913707582

Author

Written by Admin

Aliquam molestie ligula vitae nunc lobortis dictum varius tellus porttitor. Suspendisse vehicula diam a ligula malesuada a pellentesque turpis facilisis. Vestibulum a urna elit. Nulla bibendum dolor suscipit tortor euismod eu laoreet odio facilisis.

0 nhận xét: