Phượng là loài hoa đẹp, là ngọn đuốc đỏ rực ở sân trường báo hiệu mỗi khi hè về. Màu đỏ “thắm như máu con tim”* của phượng làm cháy lòng cháy dạ mấy đứa học trò khi giữa hè đi ngang qua sân trường vắng nhìn phượng nhớ bạn nhớ thầy.
(Sân trường vắng bóng thầy bóng bạn, chỉ còn mỗi mình phượng)
Vào khai giảng năm học mới nhiều khi cũng còn những cành phượng muộn rụng đỏ cả sân trường làm trò chơi cho con nít. Con gái nhặt cánh phượng ép vào vở. Con trai, tinh nghịch hơn, trèo lên bẻ nụ phượng bứt từng cọng râu (nhụy) ra chơi “đá gà”. Móc 2 cọng râu phượng vào nhau và giựt ra, “gà” nào đứt là thua.
("Gà chọi" đây)
Ngày xưa sân trường làng nghèo xứ đá còn gập ghềnh nên phượng rụng phủ đầy lên đá như chiếc áo gấm của ông quan. Đá có phượng không còn đen đúa xám xịt mà rực rỡ hoa hòe hơn. Phượng nằm trên đá nên không bị đạp nát để còn tươi được vài ngày trước khi để cho gió cuốn đi.
Ngày nay sân trường tráng xi măng láng coóng chẳng còn thấy đá. Và phượng cũng chẳng thấy đâu mà thay vào đó là mấy cây bàng vì trồng ở phương Nam nên không bao giờ có mùa lá rụng.
Nhớ phượng, thương phượng xưa biết làm sao đây? Nhưng cũng thật may. Trong số đá mang về có một viên có phượng. Đó là một vết đá màu đỏ cháy dính chặt vào viên đá xám lam. Vết đá có dáng hơi hơi giống phượng.
Ve kêu, hè về ta trầm ngâm tự hỏi có phải Phượng đó không phượng?
* Lời trong bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng - Nhạc sĩ Thanh Sơn
0 nhận xét: